Chữ Trí là một trong những ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) được coi trọng nhất trong Nho giáo, trở thành tiêu chuẩn hàng đầu trong cách ứng xử của con người. Trí không chỉ có nghĩa là sự hiểu biết, sắc sảo trong tư duy, mà còn nhiều ý nghĩa khác. Hãy cùng Phúc Tường Gold tìm hiểu thêm về ý nghĩa của bức tranh chữ “Trí”.
I. Chữ “Trí” trong tiếng Hán
Chữ Trí (智) gồm có bộ Can (干) có nghĩa là vũ khí được chế tạo từ gỗ và bộ Thỉ (矢) nghĩa là mũi tên, nếu 2 thứ đó kết hợp với nhau thì sẽ xảy ra xung đột, mâu thuẫn, thậm chí là chiến tranh, bộ Khẩu (口) tượng trưng cho lời nói, đứng giữa để tách 2 vũ khí ra. Như vậy Trí có nghĩ là sử dụng sự thông minh, khéo léo trong lời nói để giải quyết những tranh chấp.
Ngoài ra, chữ Trí còn có cách phân tích khác là ghép từ chữ Tri (知) + Bộ Nhật (日), Tri có nghĩa là sự hiểu biết một cách nhanh chóng như tốc độ mũi tên, Nhật nghĩa là sáng tựa mặt trời, nên Trí có thể hiểu là không có việc gì là không biết, thông tỏ, nhiều mưu lược, linh hoạt trong mọi tình huống.
II. Ý nghĩa của chữ “Trí” là gì?
1. Theo Đạo giáo và Nho giáo
Chữ Trí có mối liên hệ mật thiết với chữ Tâm. Mạnh Tử từng nói “Thị phi chi Tâm, Trí chi đoan dã” có nghĩa là người biết phân biệt đúng sai, sáng suốt, có cái tâm này là người thuộc về Trí.
“Nhân bất học bất tri lý”, trong quan điểm của Nho giáo, con người sinh ra không tự nhiên mà có Trí mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện từ những kinh nghiệm của bản thân. Như vậy, bản chất của trừ Trí chính là sự học.
2. Theo Phật giáo
Phật giáo chia “Trí” thành hai khía cạnh: Hữu lậu và Vô lậu. Hữu lậu là dùng Trí để quan sát và nhận thức về kiếp người vô thường, muốn thoát khỏi vòng lặp của sự luân hồi, nhưng vẫn chưa đủ để đạt đến Niết bàn. Ngược lại, Vô lậu là trạng thái đạt đến thanh tịnh, loại bỏ ưu phiền trên thế gian và đạt đến chứng quả.
Trong Kinh sách của nhà Phật, Trí được gọi là Prajna trong tiếng Phạn, và trong tiếng Trung gọi là Bát nhã, có nghĩa là Đại Trí Tuệ, có vai trò quan trọng trong việc giác ngộ và tỉnh thức, dẫn dắt người tu đến Thánh quả.
Trí giúp con người nhận thức rõ ràng về tính chất vô thường của cuộc sống, hiểu rõ về những ham muốn, tham, sân, si và hướng chúng sinh đến con đường giác ngộ giải thoát.
3. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh
Bác Hồ khẳng định rằng trí không chỉ là tri thức, không chỉ là hiểu biết sách vở lý luận thông thường mà còn là trí tuệ với sự sáng suốt. Sáng suốt ở đây là sự minh bạch, và Trí với Đức phải gắn liền với nhau, có nghĩa Trí là không mù quáng chạy theo danh lợi bản thân mà đánh mất sự trong sạch.
Trí phải được mở rộng cả từ học tập và hiểu biết đến hành động, quan hệ với mọi người, đồng chí, đồng bào. Trí cũng có nghĩa là “chí công vô tư”, đặt lợi ích của Đảng, dân tộc, và nhân dân lên trên hết, cũng đồng nghĩa với việc “không có việc tư túi”.
III. Rèn luyện chữ “Trí” như thế nào?
Đầu tiên, cần liên tục nâng cao kiến thức của mình qua việc đọc sách, báo, tạp chí, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ người khác để mở rộng vốn kiến thức của bản thân. Đồng thời rèn luyện khả năng tư duy phản biện thông qua việc đặt ra câu hỏi, phân tích thông tin, và suy luận logic, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến trái chiều.
Để phát triển được chữ Trí thì cái Tâm và cái Đức cũng phải đặt lên hàng đầu, cái tâm là kim chỉ nam cho mọi hành động của con người, việc làm xuất phát từ cái tâm mới đạt được trí tuệ, còn chữ đức giúp mỗi hành động ta làm, mỗi suy nghĩ trong đầu luôn luôn sáng tỏ, sử dụng tài khéo léo của mình để đối nhân xử thế.
Rèn luyện chữ “Trí” đòi hỏi sự cam kết và kiên trì, và việc tích hợp những hoạt động hàng ngày, như vậy mới phát huy hiệu quả lời dạy của các bậc cố nhân.